Khi một bệnh nhân được chữa khỏi bệnh Bác sĩ, Điều dưỡng đa khoa được “nhắc công” nhiều nhất. Ít ai biết rằng, còn rất nhiều người đóng góp phần vào thành công ấy là các Kỹ thuật viên Xét nghiệm thầm lặng.
Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định, khẳng định: “Muốn chẩn đoán bệnh chính xác phải có cận lâm sàng, trong đó phần nhiều là Xét nghiệm y học. Quan trọng là vậy, nhưng bộ phận này lại thiếu bác sĩ. Không ít bác sĩ đa khoa có nguyện vọng về bệnh viện làm việc, nhưng nghe nói được bố trí về bộ phận xét nghiệm lập tức… lắc đầu từ chối”. Khó khăn lớn nhất của khoa Vi sinh là thiếu nhân lực.
Không nói ra, nhưng tất thảy những người trong nghề đều hiểu rằng, làm xét nghiệm về danh tiếng lẫn thu nhập đều không bằng các bộ phận khác. Điều an ủi của những người làm xét nghiệm lao, HIV, bệnh phong là được chế độ ưu đãi độc hại với mức 70% lương.
“Làm bạn” với vi khuẩn, bệnh phẩm…
Người bình thường sẽ không khỏi “ớn lạnh” khi nhìn thấy các bệnh phẩm như máu, phân, nước tiểu, đàm, dịch… Tiếp xúc hằng ngày với bệnh phẩm, những người làm nghề ít nhiều bị “trơ”, cảm giác ghê rợn cũng giảm đi theo thời gian.
Thường xuyên tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm của các loại dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm của nhân viên xét nghiệm cũng không ít. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Ân, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, tâm sự: “Trước đây, người ta cứ thấy bệnh nhân phong là tránh xa, họ sợ cả bác sĩ chữa bệnh phong. Bây giờ, hiểu biết về bệnh phong, về đặc thù công việc của ngành xét nghiệm đã được nâng cao đáng kể, chúng tôi đỡ thấy chạnh lòng”.
Không riêng bác sĩ Ân, nhiều người làm nghề xét nghiệm cũng cho rằng, định kiến xã hội về nghề đã ít nhiều được cởi bỏ. Cử nhân Võ Tấn Sỹ, Phó trưởng khoa Xét nghiệm- X. quang, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, chia sẻ: “Trước đây, cả đồng nghiệp của mình cũng có những định kiến về nghề xét nghiệm lao. Cứ nghĩ, không có người dọn rác thì làm gì có đường phố sạch sẽ để hiểu rằng, không có người hằng ngày tiếp xúc với bệnh phẩm dơ bẩn và nguy hiểm thì làm sao bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh được. Giờ thì đỡ nhiều rồi, tự ái đã được thay bằng tự hào nghề nghiệp”.
Gắn bó với ngành được 23 năm, cử nhân Xét nghiệm Nguyễn Thị Thanh đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể của ngành xét nghiệm lao. Từ chỗ dụng cụ xét nghiệm chỉ đơn giản là chiếc kính hiển vi, nay đã có những máy móc hiện đại như máy Gene Xpert phát hiện lao kháng thuốc trong vòng 2 giờ bằng phương pháp sinh học phân tử. “Không chỉ giúp công việc nhanh hơn, cho kết quả chính xác hơn, máy móc còn góp phần hạn chế rủi ro nghề nghiệp cho chúng tôi”, chị Thanh khẳng định. Nói đoạn, chị khởi động tủ an toàn sinh học cấp 2, đưa vào đó cây nhang đốt dở. Ngay lập tức, hệ thống thông gió hút hết khói tỏa ra từ cây nhang. Đó là cách thử độ an toàn trước khi bắt đầu thực hiện xét nghiệm.
Chị Thanh tiết lộ, kết quả xét nghiệm không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối, do máy móc xuống cấp, nguồn điện không ổn định, hóa chất, hay lỗi kỹ thuật nhỏ trong quy trình. “Với không ít trường hợp, chúng tôi phải làm đi làm lại nhiều lần, bởi trực giác của mình thấy kết quả không phù hợp với mẫu bệnh phẩm. Mỗi lần như thế, chúng tôi đề nghị bác sĩ chỉ định làm lại với bệnh phẩm được lấy vào những thời điểm khác nhau trong ngày”, chị Thanh kể.
Trên mỗi tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm, thường có dấu (+) chỉ kết quả dương tính, hay dấu (-) chỉ kết quả âm tính. Hai kết quả chỉ khác nhau ở một dấu xổ thẳng xuống, nhưng lại có ảnh hưởng hoàn toàn trái ngược đến diễn biến sức khỏe của người bệnh. Vì thế, người làm xét nghiệm phải thật sự chịu khó, nhẫn nại, tỉ mỉ. Chỉ cần bỏ qua một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm, tác động trực tiếp đến việc điều trị bệnh nhân, đôi khi là cả mạng người.
Công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày, nhưng không nhàm chán như nhiều người nghĩ. Gắn bó với khoa Vi sinh từ những ngày đầu thành lập, bác sĩ Huệ vẫn coi những con vi khuẩn là bạn, là niềm vui trong công việc. “Ít ai làm vi khuẩn mà tự hào nói mình giỏi, bởi khả năng kháng thuốc của các loại vi khuẩn ngày càng tăng. Do dùng nhiều kháng sinh, cơ địa mỗi người và đặc điểm dịch tễ của mỗi vùng miền mà mỗi loại vi khuẩn có những thay đổi khác nhau trong từng cơ thể. Nói vi khuẩn tưởng chừng quen thuộc nhưng lại rất đa dạng là vì vậy”, bác sĩ Huệ phân tích.
Gần 38 năm trong nghề, Kỹ thuật viên xét nghiệm Đinh Thị Định có lẽ là người gắn bó lâu nhất với Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa. Bà cũng là người thân thuộc với bệnh nhân phong đang điều trị và cả những cư dân của làng phong Quy Hòa. Bà Định cười hồn hậu: “Hết giờ làm việc, thay áo blouse, chúng tôi thành người nhà của họ, có gia đình 3 thế hệ đều thân thiết với tôi”.
Công việc vốn lặng thầm, ít nhiều chịu thiệt thòi, sự đồng cảm từ gia đình chính là động lực để người làm nghề tiếp tục gắn bó và cống hiến. Cử nhân Nguyễn Thị Thanh kể, chị có con gái đang công tác ở Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, nên mọi người hay gọi đùa gia đình chị là nhà “lao với hủi”. “Với tôi, điều an ủi lớn nhất là được gia đình cảm thông, ủng hộ, dù biết rủi ro nghề nghiệp không hề ít. Lúc tôi đã có hai con, chồng vẫn tạo điều kiện cho tôi công tác, ngày làm tại cơ quan, tối đến lại đi cơ sở để tuyên truyền phòng chống lao, 2-3 giờ sáng mới về tới nhà”, chị Thanh bộc bạch.
Trích nguồn : Bình Định Online