Kết quả xét nghiệm máu là công cụ quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe và theo dõi quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tự đọc và hiểu được những thông tin này.
Bài viết dưới đây Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm máu cơ bản để bạn có thể hiểu được phần nào về tình trạng sức khỏe của mình.
Các loại xét nghiệm máu cơ bản
Để hiểu cách đọc kết quả xét nghiệm máu, trước tiên bạn cần biết về các loại xét nghiệm máu thường gặp. Tùy theo mục đích và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp. Hai nhóm xét nghiệm máu phổ biến nhất là: xét nghiệm công thức máu toàn phần và xét nghiệm sinh hóa.
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Đây là xét nghiệm phổ biến trong các đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát. Kết quả xét nghiệm này giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề như thiếu máu, rối loạn miễn dịch, nhiễm khuẩn, hoặc các bệnh lý liên quan đến máu như ung thư máu.
- Xét nghiệm sinh hóa: Được thực hiện để kiểm tra các chất hóa học trong máu, giúp bác sĩ đánh giá chức năng của các cơ quan như gan, thận, hệ xương, cơ. Mẫu xét nghiệm là huyết tương.
Tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ và tình trạng sức khỏe của từng người, các xét nghiệm này sẽ giúp đưa ra những chẩn đoán chính xác và kịp thời để điều trị hiệu quả.
Các chỉ số quan trọng trong xét nghiệm máu và cách đọc kết quả
Dưới đây là các chỉ số quan trọng trong kỹ thuật xét nghiệm máu mà bạn cần chú ý:
Chỉ số Glucose: Chỉ số Glucose cho biết mức độ đường huyết trong cơ thể, từ đó giúp chẩn đoán bệnh đái tháo đường và các vấn đề liên quan đến chuyển hóa glucose.
- Mức bình thường: 4.1 – 5.9 mmol/l.
- Nếu cao hoặc thấp ngoài mức này, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm thêm để xác định tình trạng sức khỏe.
SGOT và SGPT: SGOT và SGPT là chỉ số liên quan đến men gan, giúp bác sĩ đánh giá chức năng gan.
- Mức bình thường: Dưới 50 U/L (có thể thay đổi tùy vào độ tuổi, giới tính và máy xét nghiệm).
- Nếu chỉ số này tăng cao, có thể bạn đang gặp phải vấn đề về gan như viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan.
Các chỉ số mỡ máu: Các chỉ số mỡ máu liên quan đến sức khỏe tim mạch và huyết áp. Các chỉ số quan trọng bao gồm Cholesterol máu, Triglyceride, HDL – Cholesterol, và LDL – Cholesterol.
- Cholesterol máu: Dưới 5.2 mmol/l (người lớn).
- Triglyceride máu: Dưới 1.7 mmol/l.
- HDL – Cholesterol: 1.03 – 1.55 mmol/l.
- LDL – Cholesterol: Dưới 3.4 mmol/l.
Ure máu: Ure là sản phẩm chuyển hóa của nitơ, có thể phản ánh tình trạng chức năng thận và cân bằng điện giải.
- Mức bình thường: 2.5 – 7.5 mmol/l.
- Nếu chỉ số này tăng cao, bạn có thể mắc bệnh lý về thận.
Chỉ số GGT: GGT (Gamma Glutamyl Transferase) là enzyme có vai trò quan trọng trong chuyển hóa amino acid và giúp đánh giá chức năng gan và mật.
- Mức bình thường: Dưới 55 U/L.
- Người uống rượu bia thường xuyên có thể có mức GGT cao hơn mức này.
Chỉ số Creatinin: Creatinin phản ánh chức năng thận, bởi nó được lọc qua thận và bài tiết ra ngoài qua nước tiểu.
- Mức bình thường: Nam: 74 – 120 µmol/l; Nữ: 53 – 100 µmol/l.
- Creatinin tăng cao có thể chỉ ra các bệnh lý về thận, trong khi giảm mạnh có thể là dấu hiệu của suy dinh dưỡng.
Chỉ số Acid Uric: Chỉ số acid uric giúp xác định tình trạng gout và các vấn đề về chuyển hóa.
- Mức bình thường: Nam: 180 – 420 µmol/l; Nữ: 150 – 360 µmol/l.
- Khi chỉ số này tăng cao, bạn cần kiểm tra thêm để chẩn đoán các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Xét nghiệm hCG: Xét nghiệm hCG thường dùng để xác định tình trạng mang thai ở phụ nữ.
- Nếu chỉ số hCG > 25 mIU/ml, nghĩa là người phụ nữ đã có thai.
- Nếu hCG dao động từ 5 – 25 mIU/ml, cần làm thêm xét nghiệm để xác định chính xác.
Để hiểu chính xác các chỉ số trên, bạn cần tham khảo thêm các mức tham chiếu được ghi trên phiếu xét nghiệm của bạn, vì các chỉ số này có thể thay đổi tùy vào thiết bị xét nghiệm và các yếu tố khác như giới tính và độ tuổi.