Việc theo dõi các chỉ số xét nghiệm chức năng gan không chỉ giúp phát hiện sớm các bất thường, mà còn hỗ trợ bác sĩ trong việc đánh giá mức độ tổn thương gan và xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả.
- Các phương pháp xét nghiệm HIV qua mẫu máu phổ biến
- Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện những bệnh gì?

Bài viết dưới đây bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về những chỉ số cơ bản trong xét nghiệm chức năng gan và ý nghĩa lâm sàng của chúng.
Vai trò của xét nghiệm chức năng gan
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể và đóng vai trò trung tâm trong hàng loạt quá trình chuyển hóa sinh học. Cụ thể, gan tham gia vào việc chuyển hóa dinh dưỡng, tổng hợp protein, thải trừ độc tố, sản xuất mật và điều hòa chức năng miễn dịch.
Xét nghiệm chức năng gan là nhóm các xét nghiệm sinh hóa nhằm đo lường nồng độ enzyme, protein và các chất chuyển hóa trong máu để đánh giá tình trạng hoạt động của gan. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ:
- Đánh giá mức độ tổn thương tế bào gan.
- Kiểm tra hoạt động bài tiết mật và chức năng của đường mật.
- Xác định khả năng tổng hợp protein của gan.
- Đánh giá chức năng đông máu.
- Hỗ trợ phát hiện các bệnh lý như viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, hoặc ung thư gan khi kết hợp với các xét nghiệm khác như huyết học, viêm gan virus, chẩn đoán hình ảnh,…
Như vậy, xét nghiệm chức năng gan không chỉ phục vụ mục đích chẩn đoán mà còn đóng vai trò quan trọng trong theo dõi và tiên lượng bệnh lý gan.
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm chức năng gan?
Việc chỉ định kỹ thuật xét nghiệm chức năng gan thường được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh gan: mệt mỏi kéo dài, chán ăn, sút cân không rõ nguyên nhân, vàng da, vàng mắt, đau tức vùng hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu,…
- Người có tiền sử bệnh gan hoặc đang điều trị các bệnh mạn tính.
- Người thường xuyên sử dụng rượu bia hoặc thuốc có nguy cơ gây độc cho gan (ví dụ: thuốc hạ sốt, kháng sinh, hóa trị liệu…).
- Trong các đợt khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm tổn thương gan tiềm ẩn.
Việc xét nghiệm đúng thời điểm giúp phát hiện sớm những bất thường, từ đó can thiệp kịp thời và hiệu quả.
Ý nghĩa của một số chỉ số xét nghiệm gan cơ bản
Dưới đây là các chỉ số xét nghiệm phổ biến giúp bác sĩ đánh giá toàn diện tình trạng gan:
ALT (Alanine Aminotransferase): ALT là enzyme đặc hiệu của tế bào gan, với nồng độ bình thường khoảng 0 – 45 IU/L. Khi chỉ số ALT tăng cao, có thể gợi ý tổn thương tế bào gan, viêm gan cấp hoặc mạn tính, gan nhiễm mỡ hoặc xơ gan. Vì ALT ít bị ảnh hưởng bởi các cơ quan khác nên rất hữu ích trong việc phát hiện sớm tổn thương gan.
AST (Aspartate Aminotransferase): AST cũng là enzyme có nguồn gốc từ gan, nhưng còn hiện diện ở cơ tim và cơ xương. Giá trị bình thường dao động từ 0 – 40 IU/L. Sự tăng cao đồng thời của AST và ALT thường là dấu hiệu tổn thương gan nghiêm trọng, nhất là khi tỷ lệ AST/ALT > 2, có thể gợi ý viêm gan do rượu.
GGT (Gamma-glutamyl Transferase): GGT là enzyme có nhiều trong đường mật. Mức bình thường của GGT là: Nam giới: 11 – 50 IU/L; Nữ giới: 7 – 32 IU/L. Tăng GGT thường liên quan đến tình trạng tắc nghẽn đường mật hoặc sử dụng rượu kéo dài. Đây là chỉ số nhạy trong đánh giá rối loạn dẫn mật và tổn thương do rượu.
Bilirubin (toàn phần, trực tiếp và gián tiếp): Bilirubin là sản phẩm thoái hóa của hemoglobin trong hồng cầu. Giá trị bình thường: Bilirubin toàn phần: 0.2 – 1.0 mg/dL; Bilirubin trực tiếp: 0 – 0.4 mg/dL; Bilirubin gián tiếp: 0.1 – 1.0 mg/dL. Tăng bilirubin trực tiếp có thể gợi ý tổn thương gan hoặc tắc mật, trong khi tăng bilirubin gián tiếp thường do tăng phá hủy hồng cầu. Các chỉ số này thường được kết hợp với biểu hiện lâm sàng như vàng da, vàng mắt để xác định nguyên nhân chính xác.
Albumin: Albumin là loại protein chủ yếu do gan tổng hợp, giữ vai trò duy trì áp suất keo trong huyết tương và vận chuyển nhiều chất. Giá trị bình thường dao động từ 3.4 – 5.4 g/dL. Sự giảm albumin cho thấy gan mất khả năng tổng hợp protein – dấu hiệu thường gặp trong xơ gan hoặc suy gan mạn.
Thời gian Prothrombin (PT): Prothrombin là yếu tố đông máu do gan sản xuất. Thời gian đông máu bình thường là khoảng 9 – 11 giây. Khi PT kéo dài, có thể cho thấy gan bị suy giảm chức năng tổng hợp yếu tố đông máu, nhất là trong bối cảnh thiếu vitamin K hoặc bệnh gan tiến triển như xơ gan. Đây là chỉ số cảnh báo nguy cơ xuất huyết.
ALP (Alkaline Phosphatase): ALP là enzyme hiện diện trong gan, xương và ruột. Chỉ số bình thường trong khoảng 25 – 85 IU/L. Tăng ALP thường gặp trong tắc mật, viêm đường mật hoặc các bệnh lý xương. Khi phối hợp với GGT, bác sĩ có thể phân biệt giữa tổn thương gan và bệnh lý xương.

Cần làm gì khi các chỉ số xét nghiệm gan bất thường?
Theo chia sẻ từ bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y khi kết quả xét nghiệm chức năng gan cho thấy bất thường, người bệnh nên thực hiện các bước sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa: Để hiểu rõ nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng.
- Tuân thủ điều trị: Bao gồm dùng thuốc đúng chỉ định, điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống.
- Tái khám định kỳ: Nhằm theo dõi tiến triển và điều chỉnh phác đồ nếu cần.
Xét nghiệm chức năng gan là công cụ hữu ích giúp theo dõi và đánh giá tình trạng gan một cách toàn diện. Dù người bệnh không có triệu chứng rõ ràng, việc thực hiện xét nghiệm định kỳ vẫn rất cần thiết, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ như uống rượu, sử dụng thuốc dài ngày, hoặc có bệnh lý gan mạn tính. Việc phát hiện sớm tổn thương gan sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ sức khỏe lâu dài.