Văn bằng 2 Cao đẳng Xét nghiệm Cao đẳng Y Dược TP HCM
Trang chủ >> Sức Khỏe Giáo Dục >> Khi xét nghiệm protein tăng hoặc giảm có ý nghĩa như thế nào?

Khi xét nghiệm protein tăng hoặc giảm có ý nghĩa như thế nào?

Hàm lượng protein trong cơ thể sẽ phản ánh tình trạng sức khỏe và những bất thường liên quan đến các bệnh lý gan, thận, khớp,… Xét nghiệm protein tăng cao hoặc giảm thấp sẽ được phát hiện từ giai đoạn sớm của bệnh, giúp cho bác sĩ có gợi ý chẩn đoán chính xác bệnh.

Xét nghiệm đo hàm lượng protein máu và nước tiểu

Xét nghiệm protein toàn phần trong máu và nước tiểu

Bác sĩ Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cho biết, bình thường protein sẽ có một hàm lượng nhất định trong máu và không có trong nước tiểu. Như vậy khi nồng độ protein trong máu thay đổi hoặc xuất hiện protein trong nước tiểu được coi là những dấu hiệu bất thường cảnh báo vấn đề về sức khỏe. 

Xét nghiệm protein trong máu

Protein trong máu có vai trò vô cùng quan trọng, cấu tạo nên tế bào và tham gia trực tiếp vào các quá trình sinh lý hoạt động của cơ thể. Xét nghiệm protein toàn phần trong máu có ý nghĩa trong việc đo hàm lượng albumin và globulin có trong huyết thanh. 

Nồng độ protein trong máu giúp phản ánh các tình trạng bất thường về gan, thận, bệnh lý đường tiêu hóa, tình trạng dinh dưỡng,… của cơ thể. 

Xét nghiệm protein trong nước tiểu

Trong nước tiểu của người bình thường sẽ không có hoặc có rất ít protein. Vì vậy nếu xét nghiệm kiểm tra thấy có xuất hiện một lượng protein trong nước tiểu chứng tỏ thận của bạn đang gặp vấn đề. 

Thận hoạt động kém, suy giảm chức năng hoặc có vấn đề bất thường khác khiến cho protein bị bài xuất ra ngoài nhiều. Việc đo nồng độ protein niệu có ý nghĩa lớn trong việc chẩn đoán các bệnh lý thận tiết niệu.

Xét nghiệm protein tăng hoặc giảm có ý nghĩa như thế nào?

Theo các Giảng viên Cao đẳng Kỹ thuật Xét nghiệm Y học chia sẻ ý nghĩa của xét nghiệm protein tăng hoặc giảm như sau:

Protein máu

Giá trị bình thường của protein trong máu trong khoảng từ 60 – 80 g/L, trong đó albumin từ 38 – 54 g/L và globulin từ 26 – 42 g/L.

Protein máu tăng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng protein trong máu như:

  • Bệnh viêm tụy cấp, viêm tủy xương, loét dạ dày tá tràng.
  • Các tình trạng nhiễm trùng cấp, mất nước, rối loạn protein máu.
  • Các bệnh lý về gan như viêm gan do virus, xơ gan, ung thư gan giai đoạn tiến triển, vàng da tắc mật,…
  • Đái tháo đường.
  • Hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn.
  • Viêm khớp dạng thấp, đa u tủy xương, U lympho Hodgkin, lupus ban đỏ hệ thống,…

Protein máu giảm

  • Các tình trạng tế bào gan suy giảm chức năng dẫn đến giảm tổng hợp albumin.
  • Globulin giảm trong các trường hợp hội chứng thận hư, bỏng, bệnh lý đường ruột, do hòa loãng máu, giai đoạn sau sinh, người bị suy giảm gamma globulin bẩm sinh,…
  • Fibrinogen giảm trong các bệnh lý về gan, bệnh huyết khối, sử dụng thuốc tiêu fibrinogen, suy giảm fibrinogen bẩm sinh,…

Protein nước tiểu

Bình thường trong nước tiểu sẽ không có protein hoặc có một lượng rất nhỏ dưới dưới 150 mg/24 giờ. Nếu protein xuất hiện trong nước tiểu với một hàm lượng lớn thường gặp trong:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh lý suy giảm chức năng thận.
  • Sốt cao.
  • Suy tim phải, bệnh lý mạch vành.
  • Do lao động quá sức.
  • Đặc biệt đối với phụ nữ có thai, nếu xuất hiện protein niệu trong 3 tháng kèm theo tăng huyết áp và phù sẽ là dấu hiệu cảnh báo nhiễm độc thai nghén.
  • Bên cạnh đó nếu thai phụ xét nghiệm thấy protein trên 300 mg/ngày có khả năng nghi ngờ bị tiền sản giật.

Xét nghiệm protein được thực hiện khi nào?

Kỹ thuật xét nghiệm protein toàn phần là một xét nghiệm cơ bản và được thực hiện khá phổ biến trong khám sức khỏe tổng quát. Bạn có thể đề nghị tiến hành làm xét nghiệm bất cứ lúc nào nếu có nhu cầu muốn kiểm tra nồng độ protein để biết được tình trạng sức khỏe của bản thân.

Ngoài ra những người mắc các bệnh lý về gan, thận, đường tiêu hóa là đối tượng được bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm protein định kỳ. Qua đó đánh giá sự tiến triển của bệnh và theo dõi hiệu quả điều trị.

Chỉ số protein máu và nước tiểu là xét nghiệm rất có giá trị trong việc giúp bác sĩ định hướng và gợi ý các bệnh gan, thận, tiêu hóa,… Đây là một xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện và chi phí thấp, do đó bạn đọc nên thực hiện xét nghiệm định kỳ để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình.

Có thể bạn quan tâm

Một số phương pháp xét nghiệm lao phổi phổ biến

Xét nghiệm lao phổi có vai trò rất quan trọng đối với những người đang …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *