Văn bằng 2 Cao đẳng Xét nghiệm Cao đẳng Y Dược TP HCM
Trang chủ >> Sức Khỏe Giáo Dục >> Cần xét nghiệm những gì để biết bạn đang bị suy thận?

Cần xét nghiệm những gì để biết bạn đang bị suy thận?

Xét nghiệm chức năng thận là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán và phát hiện những bất thường của thận. Mọi người cùng theo dõi qua bài viết dưới đây nhé!

Chỉ số Creatinin huyết thanh tăng cao trong các trường hợp suy thận

Các chỉ số tiêu chuẩn khi xét nghiệm suy thận

Giảng viên Cao đẳng Kỹ thuật Xét nghiệm Y học cho biết: Nhiều bệnh nhân băn khoăn không biết cần làm xét nghiệm gì để biết suy thận? Các bác sĩ cho biết, có 4 loại xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán suy thận, bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết thận.

Dưới đây là thông tin chi tiết về 4 loại xét nghiệm này.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu có biết suy thận không là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Thực tế cho thấy, kết quả xét nghiệm hóa sinh máu là cơ sở quan trọng để bác sĩ chẩn đoán suy thận.

Cụ thể, các chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bao gồm:

  • Chỉ số Ure máu: Ure là sản phẩm thoái hóa từ protein được lọc ra khỏi cơ thể bởi cầu thận thông qua đường nước tiểu. Nồng độ của Ure trong máu người bình thường dao động trong khoảng 2.5 – 7.5 mmol/l. Bệnh nhân có nguy cơ suy thận khi chỉ số Ure máu tăng cao quá ngưỡng.
  • Chỉ số Creatinin huyết thanh: Creatinin là chất thoái hóa từ creatin trong cơ và được đào thải qua thận. Khi chức năng thận suy giảm, creatinin ứ lại nhiều hơn trong huyết thanh. Do đó, chỉ số nồng độ creatinin huyết thanh càng cao thì mức độ suy thận càng lớn. Ngưỡng giá trị creatinin bình thường ở nam là 0.6 -1.2 mg/dl và nữ là 0.5 – 1.1 mg/dl.
  • Xét nghiệm độ kiềm toan máu: Ở bệnh nhân suy thận, khả năng lọc thải các acid trong máu bị giảm sút khiến độ toan của máu tăng cao. Thông thường, pH máu ổn định ở mức 7,37 – 7,43. Nếu chỉ số này thấp hơn, bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh nhân bị suy thận.
  • Chỉ số Protein huyết tương toàn phần: Màng lọc cầu thận bị tổn thương là nguyên nhân gây giảm protein huyết tương. Nồng độ protein huyết tương trong máu người bình thường nằm trong khoảng 60 – 80 g/L.
  • Chỉ số Albumin huyết thanh: Chỉ số albumin huyết thanh bình thường dao động trong khoảng 35 – 50 g/L. Khi người bệnh mắc các bệnh về cầu thận, chỉ số này sẽ bị giảm mạnh.
  • Chỉ số điện giải: Nồng độ bình thường của các chất điện giải Natri, Kali, Canxi trong cơ thể lần lượt là, 135 -145 mmol/L, 3,5- 4,5 mmol/L, 2,2 – 2,6  mmol/L. Chức năng thận suy giảm là nguyên nhân khiến Natri máu giảm, Kali và Canxi máu tăng.

Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá chức năng thận

Xét nghiệm nước tiểu

Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tư vấn: Chất lượng nước tiểu là yếu tố phản ánh trực tiếp chức năng thận. Có 2 loại xét nghiệm nước tiểu phổ biến bao gồm: Xét nghiệm protein niệu và tổng phân tích nước tiểu.

  • Xét nghiệm protein niệu: Chỉ số này được xác định trong vòng 24h. Ở người khỏe mạnh, protein niệu chỉ dao động trong khoảng 0 – 0.2g/l/24h. Khi cầu thận bị tổn thương, chức năng thận suy giảm hoặc mắc các bệnh liên quan tới chức năng thận, nồng độ protein có thể tăng cao, thường vượt mức 0.3g/l/24h.
  • Tổng phân tích nước tiểu: Ở người bình thường, tỷ trọng nước tiểu dao động trong mức 1,01 – 1,020. Khi bị suy thận, các chất thải từ máu không được đưa ra nước tiểu khiến tỷ trọng nước tiểu bị giảm.

Chẩn đoán hình ảnh

Bên cạnh các chỉ số sinh hóa, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng được sử dụng phổ biến trong các kỹ thuật xét nghiệm suy thận. Các máy móc hiện đại cho phép mô phỏng lại hình ảnh thận của bệnh nhân. Thông qua đó, bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện các vấn đề bất thường.

Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến khi thăm khám suy thận gồm có:

  • Siêu âm ổ bụng: Phương pháp này giúp phát hiện các trường hợp tắc nghẽn niệu quản khiến thận bị ứ nước. Trường hợp ứ nước 2 bên thận, người bệnh có thể bị suy thận cấp hoặc mãn tính. Ngoài ra, siêu âm còn cho phép xác định các nang thận bẩm sinh, sỏi thận, khối u hay cấu trúc bất thường của thận (kích thước nhỏ, nhiều nang, mất phân biệt vỏ tủy,… ).
  • Chụp CT bụng: Là phương pháp tái tạo hình ảnh hệ tiết niệu bằng tia X. Kỹ thuật này thường áp dụng khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • Chụp xạ hình bằng đồng vị phóng xạ: Đây là phương pháp duy nhất có thể đánh giá chức năng của từng bên thận. Bác sĩ có thể quan sát được khả năng lọc của thận, tỷ lệ tưới máu và đưa ra đánh giá về chức năng thận.

Sinh thiết thận

Sinh thiết thận là kỹ thuật chẩn đoán được áp dụng trong các trường hợp: suy thận cấp nội tại, ung thư thận, viêm kẽ thận, viêm mô giữa ống thận, hoại tử ống thận cấp, chết mô thận, viêm cầu thận,…

Để áp dụng kỹ thuật này, bác sĩ cần lấy một mẫu bệnh phẩm từ thận làm thành tiêu bản soi dưới kính hiển vi. Dựa trên hình ảnh phóng đại thu được, bác sĩ sẽ phát hiện ra những tế bào bất thường trong từng trường hợp và đưa ra kết luận.

Trên đây là những chia sẻ chi tiết về xét nghiệm suy thận. Hy vọng, bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và thực hiện phương pháp xét nghiệm phù hợp. Mọi thắc mắc trong quá trình xét nghiệm, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để nhận được tư vấn chính xác.

Có thể bạn quan tâm

Một số phương pháp xét nghiệm lao phổi phổ biến

Xét nghiệm lao phổi có vai trò rất quan trọng đối với những người đang …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *